Khổ qua rừng là loại thân leo, mọc hoang trong rừng hoặc những nơi hoang vắng, cằn cỗi. Thường người ta cho rằng đây chỉ là loại cây dại không có giá trị kinh tế. Thế nhưng, trong thực tế có nhiều người sống được nhờ khổ qua rừng. Nói cụ thể hơn họ kiếm sống bằng cách đi lùng tìm khổ qua rừng đem về bán lấy tiền.
Trước đây, khổ qua rừng thường mọc nhiều ngoài nương rẫy. Nhưng một phần do bị ảnh hưởng bởi thuốc bảo vệ thực vật, một phần cũng do ngày càng có nhiều người “lùng sục” khổ qua rừng nên giờ đây muốn tìm loại cây hoang dại này không dễ, phải đi thật xa, có khi phải vào tận rừng mới có.
Nhiều người nghèo nhờ khổ qua rừng mà vượt qua được giai đoạn khó khăn, quẫn bách. Như gia đình bà Thị Ro Phi Á, ngụ tại tổ 3, ấp Chăm, xã Suối Dây, huyện Tân Châu chẳng hạn. Nhà bà Á từ trước đến nay chuyên nghề tìm cây thuốc Nam đem bán.
Những loại cây thuốc mà gia đình bà thường tìm kiếm để nhổ đem về là cây nhãn lồng, mắc cỡ, hà thủ ô, lữ đồng và khổ qua rừng. Trong đó, khổ qua rừng là loại được ưa chuộng nhất và bán được giá cao nhất. Bên cạnh việc tự đi tìm cây thuốc, vợ chồng bà Á còn thu mua thêm cây thuốc từ các hộ khác trong xóm để chở đi bán ở khu vực Long Hoa (Hoà Thành).
Với dây khổ qua rừng, người ta mang đến nhà bao nhiêu bà Á mua hết bấy nhiêu. Cũng nhờ mua bán loài cây thân dây hoang dại này mà hai vợ chồng bà nuôi được bốn người con học đại học. Hai người con lớn mới ra trường, hai người còn lại đang là sinh viên.
Không chỉ gia đình bà Á mà gia đình ông Nguyễn Văn Đức, năm nay 61 tuổi, hiện ngụ tại tổ 3, ấp Trảng Ba Chân, xã Suối Ngô, huyên Tân Châu cũng có thu nhập nhờ việc “săn lùng” khổ qua rừng. Ông Đức cho biết, mấy năm trở lại đây, khổ qua rừng ngày càng hiếm gặp.
Nay muốn tìm nó, người ta phải cất công đi đến những nơi ít có người biết. Vậy mà cũng chưa chắc tìm được. Nói chung là muốn lùng tìm khổ qua rừng cũng phải có ít nhiều kinh nghiệm để không uổng công. Để thực hiện một chuyến đi như vậy, từ bốn giờ sáng, ông Đức đã phải thức dậy nấu cơm và chuẩn bị các thứ đồ nghề mang theo.
Đồ nghề rất đơn giản: một cái lưỡi liềm, một bao tải có thể đựng được 80kg dây khổ qua tươi. Chuyến đi của ông bắt đầu từ lúc 4 giờ 30 đến khoảng 15 giờ cùng ngày.
Chỉ mới làm nghề này được hai năm nhưng hầu như nơi “thâm sơn cùng cốc” nào ông Đức cũng biết. Những nơi có khổ qua rừng trong tỉnh giờ đã không còn bao nhiêu. Ông Đức phải tốn khoảng 60.000 đồng tiền xăng cho mỗi chuyến đi đến tận huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước tìm kiếm khổ qua rừng.
Sao phải chọn lấy cái nghề luôn lặn lội cực nhọc như vậy? Trả lời câu hỏi này, ông Đức cười vui vẻ: “Tiền kiếm được từ nghề này cũng chỉ đủ để mua gạo, ăn sáng và đổ xăng. Sở dĩ tôi thích đi tìm khổ qua rừng là vì tôi nghe người ta nói nó có thể trị được bệnh tiểu đường.
Cứ coi như mình chịu cực một chút nhưng lại góp được một phần công sức trong việc làm ra bài thuốc cứu người”. Lúc mới vào nghề săn tìm khổ qua rừng, ông Đức chỉ biết làm theo cách ngẫu nhiên nên thường xuyên trở về xe không.
Lâu ngày ông dần để ý, loại này chỉ sống ở những nơi đất nhiều sỏi phún, đất sét pha cát hoặc đất gò mối có lá ủ. Chúng cũng thường hay mọc theo những mương đào hoang hoá lâu năm và đặc biệt phải là những nơi có đủ ánh sáng.
Sau mỗi chuyến săn tìm, ông Đức mang về khoảng 80kg dây tươi, phơi khô hai ngày còn lại chừng 12kg. Trước đây ông phải chở khổ qua rừng đem bán tận nơi thu mua ở Long Hoa, Khe Don và cả thành phố Hồ Chí Minh.
Nhưng hiện nay chỉ cần mang chúng về nhà phơi cho khô, chờ khi nào đủ số lượng thì gọi điện thoại cho thương lái đến tận nhà. Ông Đức cho biết, giá bán khổ qua rừng vào thời điểm này là 26.000đ/kg (đã phơi khô).
Riêng bà Á, ngoài khổ qua rừng bà còn phải bán kèm theo các loại cây thuốc khác, nên cứ chờ khi đủ chuyến mới thuê xe chở lên hướng Long Hoa để bán. Nói về hành trình đi tìm cây khổ qua rừng, bà Á khẳng định: cực lắm, phải đi xa lắm, nhiều lúc gặp rắn rết hay trời nắng nóng, mệt quá quơ nhầm gai góc chảy máu tay là chuyện thường.
Theo ông Đức, nhiều người trong xóm nhà ông bị bệnh tiểu đường thường uống nước khổ qua rừng hoặc ăn trái của nó. Người khoẻ mạnh cũng có thể dùng trái khổ qua rừng làm món ăn trong bữa cơm hằng ngày. Trái khổ qua rừng đem xào với trứng, thịt bò, hoặc kho với cá trê, cá rô đồng là món khoái khẩu của nhiều bà con nông dân. Được biết, trái khổ qua rừng bán ra ngoài thị trường hiện có giá hơn 50.000đ/kg.
Sự thật khổ qua rừng có phải là vị thuốc chữa bệnh hay không thì không rõ và không ai dám khẳng định. Chỉ biết trong thực tế có nhiều người dùng loại cây dại này để bào chế thuốc Nam. Và nhiều người dựa vào nó để mưu sinh cũng là chuyện thật.
Một ký khổ qua rừng khô để làm nên nguyên liệu bào chế thuốc có bao công sức vất vả của người đi tìm hái mang về. Theo những người làm nghề này, khổ qua rừng là loại khó trồng, nếu trồng được thì cũng chỉ làm theo cách manh mún, nhỏ lẻ. Nếu thực sự khổ qua rừng có công dụng trị bệnh hoặc có thể chế biến, sử dụng như một loại thực phẩm chức năng thì liệu có cách nào để sản xuất, nhân rộng hay không?