Đến thị trấn Lộc Ninh (huyện Lộc Ninh) chợt nhớ mấy câu thơ trong bài vọng cổ “Trái guồi Bến Cát” năm xưa của soạn giả Kiên Giang: “Mẹ đi chợ chớ ở lâu/Khi về mẹ nhớ mua xâu trái guồi/Con chờ xe lửa túc còi/Ra ga đón mẹ lấy guồi ăn chơi”. Nhưng chuyến xe lửa chạy từ Sài Gòn tới Lộc Ninh, đã không còn từ lâu.
Bây giờ trái guồi ấy chẳng thấy và chẳng nghe ai nhắc tới. Di tích Tà Thiết là nơi thu hút rất nhiều nam thanh nữ tú, thường diễn ra các buổi sinh hoạt nhóm, cắm trại. Ở chơi từ sáng tới chiều, nếu báo trước, bạn sẽ được phục vụ cơm trưa, với mấy món đặc sản, trong đó có món canh chua lá giang măng rừng.
Khổ qua rừng xào thịt bò.
Bên hông trái chợ thị trấn Thác Mơ (huyện Phước Long) có quán cơm mang tên Miền Tây. Ông chủ quán vốn là dân Đồng Tháp đến đây sinh cơ lập nghiệp. Quán bán thức ăn mang phong vị miền sông nước. Gặp khách đồng hương, chủ quán khề khà vài ba ly rượu, bình luận về đặc sản địa phương: Cá lăng đen trên này ngon nhưng không thể sánh bằng cá lăng trắng làm thành món gì cũng ngon tới “nhức răng”! Hay là cá suối cũng có cá mè vinh, nặng chừng 2kg/con, giá rất rẻ vì dân chê nhiều xương, loại này chiên xù, nướng hoặc nấu chua hết sẩy. Món ngon ở đây đặc biệt có gà rẫy do đồng bào dân tộc ít người nuôi đem ra chợ bán. Họ nói bao nhiêu thì mình mua bấy nhiêu, trả giá, họ giận mang gà về.
Tuy nhiên món đặc biệt nhất của mảnh đất miền Đông này vẫn là khổ qua rừng. Khổ qua rừng đã được người dân sơn tràng nơi đây làm thành món ăn đạm bạc trong bữa cơm, nay nó đã có tên trong thực đơn nhà hàng ở thị trấn Bình Long (huyện Bình Long).
Khổ qua rừng là loại dây leo hoang dã chỉ phát triển tự nhiên trong mùa mưa, đặc biệt là trái nhỏ, ăn vào vị đắng nhưng hậu ngọt thanh, giống như khổ qua vườn. Khổ qua rừng được xào trứng, xào thịt bò. Vì “nhỏ con” nên khổ qua chỉ cần cắt làm hai, móc bỏ ruột, rửa sạch là đã có thể cho vào chảo mỡ xào chung với thịt bò. Thêm mắm muối, gia vị, hành lá xắt khúc là đã có một dĩa ngon lành. Chấm với nước tương ngon giằm ớt hiểm xanh, khổ qua xào thịt bò khiến dĩa cơm nhà hàng nhanh chóng “biến mất”. Khổ qua rừng còn được trộn gỏi với thịt bò, chút hành tím, nước mắm giấm đường ớt, chút tiêu bột rất hấp dẫn. Người ta cũng biến khổ qua rừng thành món ăn chay ngon và lạ miệng: với mì căng xé miếng, tàu hủ trắng xắt làm tư, dưa cải xắt khúc, đậu phộng luộc bóc bỏ vỏ, đậu que tước bỏ chỉ cắt đôi (hoặc những thực phẩm thực vật nào khác cảm thấy thích), cùng với khổ qua rừng bổ đôi bỏ ruột kho với nước tương ngon, rắc tiêu bột. Tuy là món ăn “hổ lốn” nhưng lại là món ngon và bổ vì thực khách được thưởng thức đủ mùi vị của các thứ rau củ trái, mà điểm nhấn là lâu lâu “nghe” vị đắng hậu ngọt của khổ qua rừng “ngân” trên mặt lưỡi. Người ta còn sử dụng đọt và bông khổ qua rừng luộc hoặc xào, trở thành món ăn dân dã ngon miệng...
Nguồn Báo Điện Tử Cần Thơ