Hiện nay, trên mạng xã hội có quá nhiều thực phẩm chức năng được rao bán, quảng cáo rầm rộ khiến người tiêu dùng bị “bội thực thông tin”. Họ không biết đâu là sản phẩm thật, đâu là sản phẩm giả để chọn mua mặc dù bản thân hoặc người nhà có những căn bệnh liên quan muốn sử dụng những thực phẩm này. Xuất phát từ sự nghi ngờ này, nhiều người theo phương pháp truyền miệng dân gian tự tìm đến các cây cỏ thảo dược để dùng mà không thông qua sự chỉ dẫn của bác sĩ uy tín có chuyên môn.
Có nhiều loại cây thảo dược như tía tô, mật gấu, lá ổi, lá dứa, lá lốt, đinh lăng, khổ qua, lá hoàn ngọc, diệp hạ châu, húng chanh, mã đề, rau má…được nhiều người thu hái đem về sử dụng vì nó mọc quanh nhà, đơn giản dễ tìm. Chính việc này đã gây nên nhiều hiểm nguy tiềm ẩn sau khi tự ý sử dụng như hạ huyết áp, vô sinh, đau bụng, nôn mửa, người mệt rã rời…
Cũng như những loại thảo dược nêu trên, cây khổ qua rừng cũng là 1 trong loại nam dược rất kén người dùng, rất có lợi khi dùng đúng cách, ngược lại có nhiều tác hại khi lạm dụng quá mức hoặc không đúng liều lượng. Do đó cần thận trọng khi tự ý sử dụng nam dược khổ qua rừng.
Khổ qua rừng tự mọc khắp các lối đi được người dân hái về sử dụng
Thiếu kiến thức y học
Có lần trong một dịp đi thăm người thân ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, được trò chuyện với Anh Trần Văn H. ngụ tại xã Đại Hưng cùng huyện, được biết anh bị bệnh tiểu đường tuýp 2, chỉ số đường huyết của anh là 9.5 mmol/l kèm huyết cao lên tới 160/80 mmHg. Dứt khoát không dùng thuốc tây vì anh sợ ảnh hưởng đến nội tạng bên trong như gan, thận về lâu dài. Thế là anh H tự chữa trị cho mình bằng cây cỏ thuốc nam được nhiều người lan truyền trên mạng. Lúc đầu anh H. cắt dây khổ qua rừng mọc quanh bờ rào vào nấu nước uống, kế đó anh uống rau cần tây được vợ anh mua ngoài chợ về rửa sạch, ép lấy nước uống, rồi đến nước ép củ tỏi tây (còn gọi là hành poaro), và mới đây nhất anh uống nước ép dưa chuột….Thỉnh thoảng anh có hiện tượng bị tụt huyết áp và hay nôn mửa, người uể oải không khỏe sụt cân dần dần. Khi tôi hỏi tại sai anh không chịu điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ mà lại tự chữa bệnh theo cách riêng của mình thì anh lại bảo:
“Thứ khổ qua rừng đóng hộp, đóng chai mà người ta bán ở các tiệm thuốc tây với tên gọi trà khổ qua rừng, viên khổ qua rừng dùng không ổn đâu. Đó là khổ qua rừng trồng theo quy mô công nghiệp nên họ xịt thuốc trừ sâu và bón phân hóa học rất nhiều, giờ đường huyết, huyết áp mình đang cao uống mấy cái thứ đó vào lại càng nhiễm bệnh nặng hơn, ảnh hưởng cả tim, gan, phèo, phổi ruột già ruột non…cây khổ qua rừng mà tôi uống là nguyên chất, không phải mua ở tiệm thuốc mà do đích thân tôi trồng ở bờ rào quanh nhà nên không sợ thuốc men hóa chất gây tác dụng phụ gì”
Những hiểm họa khó lường
Theo Bác sĩ Phan Thanh Hải (Bs. Chuyên khoa 1, Bệnh viên Y học cổ truyền TP HCM) cho biết: Trái khổ qua rừng hay còn gọi là mướp đắng rừng có vị đắng, tính hàn, có thể dùng cả dây, đọt, lá dùng tươi hoặc phơi khô đều dùng được. Nước sắc khổ qua rừng có tác dụng hạ đường huyết đối với một số trường hợp tăng đường huyết ở mức nhẹ và trung bình, nếu dùng hằng ngày từ 50g-100g khổ qua rừng tươi hoặc 20g dây khổ qua rừng phơi khô để nấu nước uống sẽ giúp ổn định đường huyết. Bác sĩ Hải cho biết: đúng là cây khổ qua rừng dùng để giúp ổn định đường huyết, hạ huyết áp đối với người bệnh đái tháo đường và hạ mỡ trong máu rất hiệu quả nhưng không phải ai cũng dùng được, càng không có chuyện dùng càng nhiều càng tốt, cũng như là dùng nhiều loại thảo dược kết hợp thì càng mau hết bệnh như nhiều người vẫn nghĩ. Một số đối tượng sau không nên dùng khổ qua rừng:
- Người bình thường nhưng cơ địa yếu, huyết áp hơi thấp thì không nên dùng khổ qua rừng thường xuyên vì dùng nhiều quá sẽ gây thiếu máu, tán huyết, nhức đầu, hôn mê, hoa mắt, chóng mặt, sốt, đau bụng…
- Những người muốn có thai thì không nên dùng vì khổ qua rừng làm hạn chế khả năng thụ thai
- Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, phụ nữ sau sinh không nên dùng vì không tốt cho sự phát triển của thai nhi, hệ tiêu hóa và bài tiết của trẻ con đang giai đoạn bú sữa mẹ không đủ khả năng để hấp thu chất dinh dưỡng và thải độc.
- Trẻ con dưới 2 tuổi không nên dùng
- Người thể tạng yếu, lạnh bụng hoặc đang mắc bệnh về đường tiêu hóa không nên dùng vì dễ bị tiêu chảy và các bệnh khác về dạ dày.
Nếu như cây khổ qua rừng và cây cần tây đều có hàm lượng chứa rất nhiều vitamin C có tác dụng giảm huyết áp và hạ mỡ trong máu thì trong khi đó dưa chuột lại có chứa chứa một số loại enzyme có thể phân hủy loại Vitamin này. Nếu người bệnh sử dụng ba thực phẩm này riêng lẻ với nhau sẽ có tác dụng hiệu quả trong việc thanh nhiệt, thải độc cơ thể, ổn định đường huyết nhưng nếu kết hợp cả 3 lại, hoặc kết hợp khổ qua rừng với dưa chuột, hoặc cần tây với dưa chuột thì sẽ làm giảm hiệu quả của Vitamin C đi rất nhiều.
Việc sử dụng các loại nam dược thảo mộc thiên nhiên được cho là lành tính vì nó thuần tự nhiên và không sử dụng hóa chất nhưng cũng cần có đủ cơ sở khoa học thông qua quá trình nghiên cứu, thực nghiệm lâm sàng và được kết luận bởi bác sĩ, lương y có kinh nghiệm đáng tin cậy.
Đồng ý rằng tác dụng chữa bệnh của cây thuốc đều do thành phần hoạt chất có trong đó, nhưng sử dụng như thế nào, liều lượng bao nhiêu, có thể kết hợp được cây thuốc khác hay không, có tác dụng phụ khi phối hợp trong cùng một bài thuốc hay không là vấn đề người bệnh cần thận trọng hơn cả. Ví dụ cây khổ qua rừng rất mát chỉ thích hợp với người tiểu đường và huyết áp cao nhưng lại chống chỉ định với người huyết áp thấp và dùng liên tục quá nhiều lại không tốt…, cây rau má mát nhưng cũng chỉ thích hợp với người cao huyết áp, cây trinh nữ hoàng cung phòng trị ung thư tử cung rất hay, nhưng uống nhiều sẽ gây nôn ói..., cây xạ đen tốt cho người bệnh gan nhưng lại không phù hợp cho người suy thận…Nếu như nói thuốc Đông y hay nam dược mà cam kết chữa lành hoàn toàn bệnh ung thư, tiểu đường, hay bệnh hiểm nghèo khác thì thực ra chỉ là lời đồn thổi của những cơ sở kinh doanh không uy tín.
Khổ qua rừng tự mọc trên hàng rào nhà người dân
Lời khuyên nào cho người bệnh?
Không thể phủ nhận quan điểm “chỉ có thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ thảo dược mới chữa được căn nguyên của bệnh tật”, quan điểm này ngày nay được càng nhiều các nước phương Tây tìm về, nghiên cứu và sử dụng. Theo Đông y, cơ thể con người khỏe mạnh lúc nào cũng quân bình, bệnh tật chỉ là những triệu chứng của sự mất quân bình trong cơ thể phần lớn do ăn uống. Thay vì chữa trị từng cơ quan riêng biệt, đau ở đâu chữa ở đó như y học phương Tây thì Đông y chủ trương tìm ra căn nguyên của bệnh từ gốc. Thực phẩm khi đưa vào cơ thể cần phải sạch, đúng, đủ, phù hợp theo nhu cầu dinh dưỡng mỗi người… để chữa trị lập lại sự quân bình trong cơ thể. Hippocrates có câu nói nổi tiếng, "Hãy để thức ăn là những vị thuốc, và thuốc là thức ăn”, vì vậy trước khi có kết luận y học về các thảo dược là thực phẩm trị bệnh, cũng như khi chưa thông qua sự tư vấn của bác sĩ, lương y có kinh nghiệm, thì người bệnh cần làm theo các lời khuyên sau đây:
1. Người bệnh cần chọn đúng thầy thuốc chuyên khoa để được khám và tư vấn, tránh tự ý làm theo hưỡng dẫn trên mạng những nguồn không đáng tin cậy. Sở dĩ người bệnh cần sự tư vấn của lương y bác sĩ là vì trong thành phần hoạt chất của thảo dược có những nhóm chất có tác dụng rất mạnh nếu dùng không đúng cách sẽ dẫn đến những tai hại khó lường
2. Người bệnh không nên tự ý kết hợp nhiều loại thảo dược với nhau để điều trị cùng một nhóm bệnh, là vì trong hoạt chất của một số thảo dược khi kết hợp cùng nhau mà không đúng liều lượng sẽ gây ra tác dụng phụ hoặc phản tác dụng
3. Mặt khác, do tình trạng bệnh lý của mỗi người mỗi khác, không cơ địa nào giống cơ địa nào vì vậy không nên nghe truyền miệng từ người khác mà đem cây cỏ đó áp dụng lên bản thân mình, đôi khi bị những phản ứng phụ xảy ra do sự tương tác thuốc
4. Một điều hết sức lưu ý với bệnh nhân dùng thảo dược là, do thuốc Tây hoàn toàn khác với thuốc Nam, thuốc Tây được tạo ra từ những phản ứng hóa học được chia ra làm nhiều dạng viên ngậm, viên nén, dạng uống, tiêm..cho nhiều loại bệnh khác nhau, còn thuốc Nam được điều chế qua quy trình sao tẩm, chế biến sao cho không làm giảm bớt hoạt chất quý có trong thảo dược. Do đó, nếu người bệnh tự dùng nam dược thì phải sắc thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, để đảm bảo tận dụng hết hoạt chất trong bài thuốc, và chỉ dùng thảo dược tại nhà khi thật sự cần thiết, hết bệnh nên ngưng, không tự ý kéo dài thời gian và tăng liều vì quan niệm dùng càng lâu càng tốt, dùng càng nhiều càn bổ… Nếu lạm dụng thảo dược quá mức hoặc sử dụng sai cách thì dẫn đến những tác hại vô cùng nguy hiểm.
Theo Mudaru