Lá khổ qua nấu với cá rô - món ăn vị thuốc
Theo y học dân gian, trái và lá khổ qua (mướp đắng) tính hàn, không độc, có công hiệu chống viêm, hạ sốt và phòng trị được nhiều chứng bệnh thông thường nên được coi là món ăn vị thuốc.
Khổ qua rừng
Đa số người dùng khổ qua chỉ chọn trái để chế biến thành nhiều món ăn thông dụng như khổ qua hầm, khổ qua nấu canh, khổ qua xào… Trong khi đó, lá khổ qua có thể biến tấu thành nhiều món ngon độc đáo như nấu ngót, chiên tỏi.
Ngoài ra, nhiều người còn chế biến trái và lá thành trà khổ qua, nước sắc lá khổ qua để uống giúp thanh nhiệt trong mùa hè nóng bức.
Một lần đến Q.Ninh Kiều, Cần Thơ, tôi đã có dịp thưởng thức món canh ngót cá rô nấu với lá khổ qua tươi. Ai cũng nghĩ rằng lá khổ qua đắng sẽ khó nuốt, nhưng kỳ thực nó chỉ hơi đắng, ăn vào lại thấy ngọt, thơm và mùi vị đặc trưng. Anh bếp trưởng cho biết anh chọn cá rô vì đây là loại cá có thịt ngọt và béo, ngoài ra tuyệt đối không dùng các chất phụ gia như đường, bột ngọt, bột nêm, vậy mà nồi canh vẫn đậm đà hương vị.
Món này muốn tuyệt kỹ, các bà nội trợ nên chọn khoảng 300 - 500 gr lá khổ qua tươi và vài con cá rô mề đem về làm sạch. Sau đó bắc nồi nước lên nấu sôi, nêm nước mắm, rắc thêm tỏi, hành, rau thơm theo kiểu nấu ngót, không mặn cũng không lạt. Tiếp theo, thả cá vào. Nồi nước sôi lên, những con cá phơi mình, mùi thơm bốc lên ngào ngạt.
Khi ngồi vào bàn, ăn tới đâu người ta cho lá khổ qua vào nồi tới đó. Gắp một miếng cá, kèm với mớ lá khổ qua đã chín mềm đưa vào miệng, người ăn sẽ hít hà, sảng khoái. Đúng là một món ăn tuyệt vời, có một không hai. Món này hấp dẫn nhất là nước, một loại súp vừa đăng đắng, vừa đậm đà thi vị, càng húp càng ghiền vì nó không giống với bất cứ loại nước súp nào.
Cá rô nấu ngót với lá khổ qua
Gần đây, nhiều gia đình thích chọn những món ăn “thực dưỡng” để bồi bổ cơ thể và nâng cao sức khỏe nên một số gia đình đã tự trồng khổ qua sạch, đặc biệt là khổ qua rừng trong sân để lấy lá.
Ngoài ra, nhiều hộ nông dân cũng kịp thời đón đầu thị trường chuyển sang trồng khổ qua thay vì lấy trái bán, họ lại khai thác lá bán với giá từ 40.000 - 70.000 đồng/kg, cao gấp 4 lần bán trái (lá khổ qua rừng hoặc khổ qua thường đều có giá trị như nhau).
Nhờ vậy các nhà hàng mới có đủ nguyên liệu để chế biến và món canh lá khổ qua cũng trở nên ngày càng phổ biến ở miền Tây.