Chỉ số HbA1c là chỉ số xét nghiệm quan trọng với người bệnh tiểu đường. Nó phản ánh tình trạng glucose máu trong 3 tháng qua đã được kiểm soát tốt chưa. Việc này giúp cho bác sĩ có kế hoạch điều trị kịp thời hơn, tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Chỉ số HbA1c là gì?
Chỉ số HbA1c là một xét nghiệm quan trọng
HbA1C là một trong những xét nghiệm chỉ số đường huyết quan trọng giúp việc chẩn đoán bệnh tiểu đường đưa lại kết quả chính xác cao. HbA1C (Hemoglobin glycosylat) là một phức hợp được tạo thành do Glucose trong máu có thể gắn kết với hemoglobin (phần mang oxy) của hồng cầu. Khi glucose gắn kết với hemoglobin thì nó sẽ tồn tại và ở đó đến hết đời sống của hồng cầu. Chu kỳ kéo dài khoảng 3 tháng. Vậy nên, nếu nồng độ glucose trong máu càng cao thì lượng glucose gắn vào hemoglobin của hồng cầu càng nhiều, và như vậy nồng độ HbA1C cũng sẽ gia tăng. Đường máu cân bằng tốt nếu HbA1C nằm trong khoảng 4% - 6,5%.
Xét nghiệm chỉ số HbA1c là gì?
Xét nghiệm HbA1c (hay A1c, glycohemoglobin), là phương pháp xét nghiệm máu mục đích kiểm tra lượng đường gắn với hemoglobin trong các tế bào hồng cầu. Khi hemoglobin và đường Glucose liên kết với nhau, một lớp đường sẽ bao bọc xung quanh hemoglobin. Lớp bao bọc này dày hơn khi lượng đường trong máu tăng thêm. Xét nghiệm HbA1c đo lường mức độ dày của lớp vỏ này. Những người có bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh khác làm tăng lượng đường trong máu có lượng đường gắn với hemoglobin nhiều hơn bình thường.
HbA1c hình thành xảy ra chậm 0.05% trong ngày và tồn tại suốt khoảng thời gian sống của hồng cầu là 4 tháng (120 ngày), thay đổi sớm nhất trong vòng 4 tuần lễ (28 ngày)
Chỉ số HbA1c cao khi tăng trên 1% tương ứng với chỉ số đường huyết bạn tăng lên 30mg/dl (1.7mmol/l)
Trong toàn bộ hemoglobin, thông thường HbA1c chiếm khoảng 4-6%
Khi HbA1c > 6.5% cho thấy bạn đang kiểm soát đường huyết không tốt
Khi HbA1c < 6.5% chứng tỏ bạn đang kiểm soát đường huyết tốt.
Xét nghiệm HbA1c được thực hiện bằng cách lấy một mẫu máu nhỏ của bạn, mẫu máu sẽ được đo chỉ số tại phòng xét nghiệm, kết quả được tính theo tỷ lệ phần trăm hemoglobin của máu.
HbA1c là một dạng Hemoglobin đã biến đổi
Trong khi xét nghiệm đường huyết tại nhà chỉ có thể đo mức độ đường huyết tại thời điểm đó. Mà lượng đường trong máu thường thay đổi liên tục do nhiều yếu tố như ăn uống, chế độ luyện tập và mức độ Isulin trong máu.
Nhưng những xét nghiệm định lượng HbA1c kiểm tra lượng đường trong máu trong thời gian dài ở những người bị bệnh đái tháo đường. Vì thế hầu hết các bác sĩ cho rằng chỉ số HbA1c là thông số tốt nhất để xem xét người đó đã và đang kiểm soát tốt chỉ số đường huyết của mình hay chưa.
Các kết quả xét nghiệm HbA1c không phụ thuộc vào sự thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục, hoặc các loại thuốc đã sử dụng trong thời gian gần đó.
Xét nghiệm này cho thấy tình trạng kiểm soát bệnh đái tháo đường của bạn trong 2–3 tháng trước đó và cho biết kế hoạch điều trị bệnh đái tháo đường có cần phải điều chỉnh hay không.
Xét nghiệm HbA1c cũng có thể giúp bác sĩ tiên đoán và phát hiện sớm các biến chứng do bệnh đái tháo đường, chẳng hạn như suy thận, bệnh về mắt, chân hay tê chân.
Khi nào bạn cần xét nghiệm HbA1c?
Tùy thuộc vào loại tiểu đường và theo các khuyến nghị của bác sĩ. Xét nghiệm này có thể được làm từ 2–4 lần mỗi năm. Khi lần đầu được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, trong quá trình điều trị nếu bạn không kiểm soát tốt lượng đường trong máu, bác sĩ có thể yêu cầu tiến hành xét nghiệm thường xuyên hơn.
Nhằm mục đích chẩn đoán và sàng lọc, định lượng HbA1c có thể được tiến hàng thực hiện trong những lần khám sức khỏe định kỳ hoặc khi bạn bị nghi ngờ mắc đái tháo đường khi nhận thấy có các dấu hiệu hoặc triệu chứng tăng nồng độ glucose trong máu như:
- Khát nước;
- Tăng đi tiểu;
- Mệt mỏi;
- Mờ mắt;
- Nhiễm trùng lâu lành.
Những điều cần biết trước khi xét nghiệm chỉ số HbA1c
Bảng chỉ số HbA1C đường huyết bình quân
Xét nghiệm HbA1c sẽ không phản ánh sự tăng hay giảm Glucose tạm thời do ăn uống hay dùng thuốc. Nó cũng không phản ánh khả năng kiểm soát đường huyết trong vòng 3–4 tuần trước đó.
Nếu một người có biến thể hemoglobin, ví dụ như tế bào hemoglobin hình liềm (hemoglobin S), người đó sẽ có lượng hemoglobin bình thường giảm xuống. Điều này có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm HbA1c trong việc chẩn đoán và/hoặc theo dõi bệnh đái tháo đường của người này, tùy thuộc vào phương pháp được sử dụng.
Nếu một người có bệnh thiếu máu, tán huyết, hoặc chảy máu nặng, kết quả xét nghiệm HbA1c có thể thấp hơn giá trị thật sự của nó. Nếu một người bị thiếu chất sắt, lượng HbA1c có thể sẽ tăng cao hơn giá trị thật sự của nó.
Nếu 1 người được truyền máu trước đó không lâu, thì xét nghiệm này có thể không mang tính chính xác cao và cũng không phản ánh hết khả năng kiểm soát đường huyết trong vòng 2–3 tháng.
Một số bệnh lý như Hội chứng Cushing, U tủy thượng thận hay hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) có thể làm tăng nồng độ HbA1c, nhưng kết quả vẫn có thể nằm trong phạm vi bình thường.
Bệnh nhân đang sử dụng corticosteroid điều trị bệnh có thể làm tăng mức HbA1c.
Khoảng giá trị bình thường của kỹ thuật y tế này có thể không thống nhất tùy thuộc vào cơ sở thực hiện xét nghiệm mà bạn chọn.
Trước khi tiến hành kỹ thuật y tế này, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về kết quả xét nghiệm.
Cần chuẩn bị gì trước khi làm xét nghiệm HbA1c?
Thực ra, làm xét nghiệm HbA1c thì không cần phải chuẩn bị gì nhiều. Xét nghiệm không buộc phải ngừng ăn và có thể thực hiện bất cứ thời gian nào trong này.
Các loại thuốc đang sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường cũng không cần ngưng uống.
Và tốt nhất để hiểu rõ hơn về mỗi lần làm xét nghiệm này, thì nên hỏi trước ý kiến của bác sỹ để chắc chắn rằng trong quá trình xét nghiệm không có gì làm gián đoạn.
Ngày đi lấy máu để làm xét nghiệm, tốt nhất là với khí hậu mát mẻ bình thường, bạn hãy mặc áo thun tay ngắn để điều dưỡng tiện hơn trong việc lấy máu.
Hướng dẫn đọc kết quả xét nghiệm HbA1c
Bình thường |
Dưới 5,7% |
Tiền đái tháo đường (dấu hiệu của nguy cơ đái tháo đường) |
5,7%–6,4% |
Đái tháo đường |
6,5% trở lên |
Chú ý đối với những người trưởng thành đang không mang thai, người mắc bệnh đái tháo đường type 1 hay type 2 nên đạt mục tiêu mức HbA1c < 7%.
Đối với những trẻ em mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 nên hướng đến mục tiêu mức HbA1c < 7%.
Công thức tính lượng Glucose huyết thanh trung bình được ước tính.
28.7 X HbA1c – 46.7 = eAG
Trong đó HbA1c là chỉ số đường huyết.
eAG là lượng Glucose huyết thanh trung bình được ước tính
Ví dụ A1c là 6%. Kết quả eAG sẽ là:
28.7 X 6 – 46.7 = 126 mg/dl
Ước lượng glucose máu trung bình sẽ là 126 mg/dl.
Chỉ số đường huyết trung bình sẽ tăng lên khoảng 29 mg/dl, khi HbA1c tăng lên 1%
Chính những vì những giá trị của HbA1C mang lại trong việc chẩn đoán bệnh, nên hiện nay xét nghiệm HbA1c là một trong những xét nghiệm quan trọng nhất để thực hiện sàng lọc tim mạch và bệnh tiểu đường. Giúp phát hiện sàng lọc sớm bệnh tiểu đường, và từ đó có kế hoạch điều trị bệnh kịp thời và hiệu quả.