Bệnh tiểu đường là một kẻ thù thầm lặng, âm thầm đến không có triệu chứng. Nếu người bệnh không có thói quen khám sức khỏe định kỳ thì lúc có dấu hiệu phát hiện ra bệnh có thể gây ra những biến chứng khôn lường. Vậy bệnh tiểu đường là gì và chỉ số đường huyết bao nhiêu là tiểu đường?
Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là gì?
Bệnh tiểu đường (hay còn gọi là bệnh đái tháo đường) là một tình trạng bệnh lý chỉ những rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng lượng đường huyết trong cơ thể. Nguyên nhân thường là do nồng độ insulin trong cơ thể không ổn định. Nếu bị tiểu đường, bạn cần kiểm soát được lượng đường trong máu và thường xuyên theo dõi để chắc chắn rằng lượng đường nằm trong mức an toàn.
Thực trạng bệnh Tiểu đường trên thế giới
Dự tính đến năm 2030, cả thế giới sẽ có hơn 500 triệu người mắc đái tháo đường và chiếm đến 80% gánh nặng y tế ở các nước thu nhập trung bình – thấp. Bệnh đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường tuýp 2, là nguyên nhân nhiều nhất gây mù lòa, chạy thận nhân tạo và đoạn chi ở bệnh nhân trên toàn thế giới. Song song đó, các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ do đái tháo đường cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.
Hầu hết tất cả các quốc gia trên thế giới đều có tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường gia tăng, đặc biệt ở các nước đang phát triển. 79% người mắc bệnh tiểu đường sống tại các nước có thu nhập thấp và trung bình
Tỷ lệ và số người mắc bệnh đái tháo đường cao nhất ở nhóm từ 40-59 tuổi, đây là độ tuổi đang còn lao động. Cứ 2 người mắc bệnh đái tháo đường thì 1 chưa được chuẩn đoán . 4 triệu người chết vì bệnh đái tháo đường mỗi năm. Trên thế giới có hơn 1.106.500 trẻ em mắc bệnh đái tháo đường Type 1
Bệnh tiểu đường có ba loại chính, đó là tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2 và bệnh tiểu đường thai kỳ.
Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) tuýp 1
Bệnh tiểu đường tuýp 1, là chứng rối loạn tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào tuyến tụy thay vì các yếu tố bên ngoài. Điều này sẽ gây ra sự thiếu hụt insulin và tăng lượng đường huyết.
Nếu bạn bị tiểu đường tuýp 1, các triệu chứng sẽ xuất hiện rất sớm và ở độ tuổi khá trẻ, thường là ở trẻ nhỏ hay tuổi vị thành niên.
Nguyên nhân bệnh Tiểu đường tuýp 1
Chưa xác định được nguyên nhân chính xác của bệnh tiểu đường tuýp 1. Các bác sĩ cho rằng bệnh tiểu đường tuýp 1 có thể là do nguyên nhân kết hợp của di truyền và các yếu tố môi trường. Tuy nhiên, bạn có thể có nguy cơ cao bị bệnh tiểu đường tuýp 1 nếu:
- Mẹ hoặc anh chị em bị bệnh tiểu đường tuýp 1.
- Tiếp xúc với một số virus gây bệnh.
- Sự hiện diện của kháng thể bệnh tiểu đường.
- Thiếu vitamin D, sớm sử dụng sữa bò hoặc sữa bột có nguồn gốc từ sữa bò, và ăn các loại ngũ cốc trước 4 tháng tuổi. Mặc dù chúng không trực tiếp gây ra bệnh tiểu đường tuýp 1, nhưng cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Các nước như Phần Lan và Thụy Điển, có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 khá cao.
Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) tuýp 2
Bệnh tiểu đường tuýp 2, còn gọi là bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin (NIDDM), là loại tiểu đường phổ biến nhất, chiếm 90% đến 95% tổng số bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Bệnh thường xuất hiện ở tuổi trưởng thành, nhưng do tỷ lệ béo phì ngày càng cao, hiện nay ngày càng nhiều trường hợp bệnh được phát hiện ở tuổi vị thành niên và người trẻ tuổi. Bạn có thể mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 mà bạn hoàn toàn không biết.
Khi mắc tiểu đường tuýp 2, các tế bào của bạn trở nên đề kháng với insulin, và tuyến tụy không thể tạo ra đủ lượng insulin để vượt qua sự đề kháng này. Thay vì di chuyển vào các tế bào để tạo ra năng lượng, đường sẽ tích tụ lại trong máu của bạn.
Đái thái đường thai kỳ
Bệnh tiểu đường thai kỳ là một loại tiểu đường chỉ xảy ra ở phụ nữ mang thai. Bệnh này có thể gây ra các vấn đề cho cả bà mẹ và trẻ sơ sinh nếu không được điều trị. Tuy nhiên, bệnh tiểu đường thai kỳ thường biến mất sau khi chuyển dạ.
Các loại tiểu đường khác thì ít gặp hơn, nguyên nhân có thể đến từ hội chứng di truyền, phẫu thuật, thuốc, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng hoặc khi mắc các bệnh khác.
Đái tháo nhạt, mặc dù có tên gần giống với các loại trên, đây lại là một trường hợp bệnh khác gây ra do thận mất khả năng trữ nước. Tình trạng này là rất hiếm và có thể điều trị.
Chỉ số đường huyết là gì?
Chỉ số đường huyết là nồng độ glucose, một loại đường đơn có trong máu. Nồng độ glucose trong máu thay đổi liên tục trong ngày, thậm chí khác nhau từng phút. Đường huyết là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá bệnh đái tháo đường. Vậy chỉ số đường huyết bao nhiêu là an toàn?
Ý nghĩa của chỉ số đường huyết:
Chỉ số đường huyết giúp xác định nồng độ glucose trong máu của người tại thời điểm khảo sát là bao nhiêu. Từ đó, chúng ta có thể xác định được người bệnh đang ở mức bình thường, tiền đái tháo đường hay đang bị đái tháo đường.
Nếu đang trong giai đoạn tiền đái tháo đường, có thể chưa cần điều trị bằng thuốc, chỉ cần điều trị bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện thể dục.
Chỉ số đường huyết bao nhiêu là bệnh Tiểu đường?
Glucose (đường) là nguồn năng lượng chính của cơ thể và cũng là nguyên liệu quan trọng, cần thiết cho tổ chức não bộ và hệ thần kinh. Chỉ số đường huyết bình thường được y học đánh giá là an toàn phải đảm bảo:
– Chỉ số đường huyết bình thường khi đói ở mức từ 90 – 130mg/dl ( tương ứng với 5,0 – 7,2mmol/l).
– Chỉ số đường huyết bình thường sau ăn ở mức thấp hơn 180mg/dl (10mmol/l).
– Chỉ số đường huyết bình thường trước lúc đi ngủ thường dao động 110 – 150mg/dl (6,0 – 8,3mmol/l).
Để xác định mình có bị tiểu đường hay không, bạn hãy tự kiểm tra chỉ số đường huyết lúc đói hoặc sau ăn dựa trên bảng chỉ số đường huyết lúc bình thường và nguy hiểm.
Những lưu ý khi xác định chỉ số đường huyết bao nhiêu là bệnh Tiểu đường?
Chỉ số đường huyết lúc đói nên được thực hiện vào buổi sáng, sau khi bạn nhịn ăn từ 8 – 10 tiếng. Với người bình thường, chỉ số đường huyết an toàn sẽ là từ 4,0 – 5,9 mmol/l (tương đương 72-108 mg/dl). Khi chỉ số này vượt quá 7mmol/l nghĩa là bạn có khả năng đã mắc bệnh tiểu đường.
Sau khi ăn 2 tiếng, bạn có thể kiểm tra chỉ số đường huyết để biết lượng đường trong máu và có cách điều chỉnh chế độ ăn phù hợp.
Nếu chỉ số đường huyết sau ăn ở các mức:
– Dưới 7,8 mmol/l là chỉ số đường huyết bình thường và an toàn
– Từ 7,9 – 11,1 mmol/l là cảnh báo dấu hiệu tiền tiểu đường
– Nếu > 11,1 mmol/l thì nguy cơ cao bạn đã mắc bệnh tiểu đường
Bạn nên thường xuyên theo dõi bảng chỉ số đường huyết để biết mức đường huyết thấp, cao hay mức có thể chấp nhận được, tuy nhiên bạn cần tham khảo ý kiến bác sỹ để được hướng dẫn cụ thể và cho lời khuyên chính xác.
Để chẩn đoán tiểu đường chính xác nhất, bạn cần làm nghiệm pháp tăng đường huyết hoặc xét nghiệm chỉ số HbA1c. Đây là chỉ số kiểm soát đường huyết chuẩn xác mà không phụ thuộc vào thời điểm no hay đói. Chỉ số này bình thường nếu ở mức từ 5,5% – 6,2% là bình thường và cảnh báo tiểu đường nếu trên 7%.
Cách ổn định duy trì chỉ số đường huyết
- Theo dõi đường huyết thường xuyên và đều đặn.
- Dùng những loại thực phẩm giúp ổn định đường huyết như: khổ qua, rau dền, cà rốt, đậu,…
- Uống đều đặn thuốc hạ đường huyết hay insulin: Uống theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn; phải tuân thủ theo đơn thuốc, lộ trình điều trị của bác sĩ, không được tự ý thay đổi liều lượng thuốc hay thêm thuốc mới mà không có sự đồng ý của bác sĩ.
- Tập thể dục thường xuyên, tối thiểu 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần.
- Giữ thái độ lạc quan, thoải mái, tránh stress, áp lực.
Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người bên cạnh, hãy có thói quen khám định kỳ sức khỏe 6 tháng 1 lần để tầm soát các loại bệnh.
Mudaru chung tay kiến tạo sức khỏe cộng đồng Việt.