Cỏ ngọt (Stevia) thuộc họ Cúc Asteraceae, còn được gọi là cỏ đường, cỏ mật, cỏ ngọt, có nguồn gốc ở Nam Mỹ. Năm 1888, nhà thực vật học người Paraguay là Moises Santiago Bertoni đã phát hiện, phân loại và chính thức đặt tên cho loại cỏ này là Stevia rebaudiana Bertoni. Đây là loài cỏ có nhiều lợi ích, có thể đưa vào sản xuất để chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
1. Lợi ích của cây cỏ ngọt
Năm 1908, hai nhà khoa học Reseback và Dieterich đã chiết xuất được glucozit từ lá cỏ ngọt. Đến năm 1931, Bridel và Lavieille mới xác định được glucozit đó chính là steviozit - chất ngọt cơ bản tạo nên độ ngọt ở loại cây này, có vị ngọt gấp 300 lần đường thường (saccharose, sucrose), đặc biệt là không tạo calorie. Đặc tính quan trọng của các glucozit này là có thể làm ngọt các loại thức ăn và đồ uống mà không gây độc hại cho người, không đòi hỏi kỹ thuật sản xuất phức tạp, năng suất cao, công nghệ thu hái chế biến đơn giản.
Chất steviozid có rất nhiều lợi ích trong y học được sử dụng dành cho những người bị bệnh tiểu đường, béo phì hoặc cao huyết áp; trong công nghiệp thực phẩm dùng để pha chế làm tăng độ ngọt của các loại thực phẩm khác nhau, chế rượu màu, nước hoa quả, các loại bánh kẹo, ướp các loại hải sản sấy khô, chế biến dấm; trong công nghệ chế biến mỹ phẩm dùng để sản xuất: sữa làm mượt tóc, kem làm mềm da, vừa có tác dụng nuôi dưỡng tất cả các mô và giúp cơ thể tái tạo làn da mới trên toàn bộ bề mặt da, vừa chống nhiễm khuẩn.
Hiện nay, ở Việt Nam cũng như các nước trong khu vực, nhu cầu về đường cỏ ngọt cung cấp cho ngành y học, ngành công nghiệp thực phẩm và chế biến mỹ phẩm là rất lớn nên hàng năm nước ta vẫn phải nhập khẩu loại đường này.
2. Một số đặc điểm hình thái và đặc tính nông học của cây cỏ ngọt
Rễ chùm, mọc khỏe, phân bố 0-30cm, ít phân nhánh, hệ rễ phát triển tốt trong môi trường đất tơi xốp và đủ ẩm. Thân cành có dạng thân bụi, chiều cao trung bình khi thu hoạch là 45-50cm. Thân già màu tím nâu, phần non màu xanh, có khả năng ra rễ bất định. Lá cúc ngọt mọc đối theo từng cặp hình thập tự.
Cây cỏ ngọt chỉ sinh trưởng phát triển tốt trên các chân đất có thành phần cơ giới nhẹ chủ động tưới, tiêu. Trồng một lần thu hoạch trong 2 năm, mỗi năm thu hoạch 5-6 lứa, năng suất bình quân 10-12 tấn lá tươi, doanh thu đạt 200-230 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt từ 80-100 triệu đồng/ha/năm.
3. Giải pháp sản xuất cỏ ngọt ở Nghệ An
Ở Nghệ An, cây cỏ ngọt sinh trưởng quanh năm nhưng cho thu hoạch cao nhất từ tháng 4 đến tháng 11 dương lịch (trừ những tháng nhiệt độ quá thấp như tháng 12, tháng 1 và các tháng có nhiệt độ quá cao, nắng nóng như tháng 5, tháng 6). Thời vụ trồng cỏ ngọt thích hợp nhất là vụ thu đông và vụ xuân hè.
Việc sản xuất thử thành công cây cỏ ngọt ở một số xã thuộc huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn và Nghi Lộc đã tạo ra bước đột phá mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho các địa phương. Tuy nhiên, để sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cần thực hiện tốt, đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, vùng đất lựa chọn để trồng phải có thành phần cơ giới nhẹ, chủ động tưới tiêu, bởi cây cỏ ngọt ưa ẩm, nhưng không chịu úng, những diện tích trồng mới vào mùa mưa nhiều phát triển rất chậm (nếu ngập úng 12-14h cây sẽ chết).
Hai là, cây giống phải đồng bộ, được cắt trên vườn cây mẹ có cùng độ tuổi để đưa vào vườn giâm (tránh hiện tượng ra hoa sớm, không đồng đều trên cùng cánh đồng). Trong lúc chưa có các giống mới thì chỉ nên phát triển giống M1, đây là giống cỏ ngọt thích hợp nhất với điều kiện khí hậu Nghệ An.
Ba là, người trồng cỏ ngọt phải tuân thủ quy trình tuyệt đối kỹ thuật trong việc trồng, dặm, bón phân, tạo tán, chăm sóc và thu hoạch.
Bốn là, các địa phương trồng lần đầu nên lựa chọn những vùng nông dân có trình độ thâm canh cao, đặc biệt là những vùng chuyên canh rau màu, tổ chức trồng dưới dạng mô hình với quy mô 3-5ha, để hội thảo đúc rút kinh nghiệm, làm cơ sở nhân rộng cho các vùng phụ cận.
Năm là, xã hội hoá khâu giống. Doanh nghiệp đầu tư phát triển cây cỏ ngọt cần cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật giúp nông dân tự sản xuất giống, để giảm giá thành đầu vào cho nông dân, tạo điều kiện phát triển nhanh vùng nguyên liệu và đảm bảo tính bền vững.
Sáu là, các doanh nghiệp cần phải xây dựng khu nuôi cấy mô nhằm duy trì tốt giống gốc, chống thoái hoá giống, làm cơ sở tạo ra thế hệ cây con sạch bệnh, có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt. Đồng thời tiến hành thí nghiệm xác định rõ nguyên nhân ra hoa sớm của các giống cỏ ngọt hiện nay, trên cơ sở đó tìm ra giải pháp khống chế sự ra hoa của cây cỏ ngọt.
Việc xúc tiến xây dựng sớm nhà máy chiết xuất đường cỏ ngọt trên địa bàn tỉnh Nghệ An là cơ sở để các địa phương yên tâm tổ chức chỉ đạo nông dân phát triển nguyên liệu, góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích. Đồng thời tổ chức ký kết hợp đồng thực hiện nghiêm túc mối liên kết 4 nhà "Nhà nước - Nhà nông - Doanh nghiệp - Nhà khoa học" theo tinh thần Quyết định 80/CP-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong quá trình triển khai phát triển vùng nguyên liệu.
Tóm lại, cây cỏ ngọt là cây trồng mới, dễ canh tác, song để triển khai trồng mới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trên mới thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích.