Mô hình trồng khổ qua rừng của gia đình ông Hồ Văn Thành (ấp Tổng Cui Nhỏ, xã Phước An, huyện Hớn Quản, Bình Phước) được đánh giá đem lại hiệu quả kinh tế cao (khoảng 60 triệu đồng/sào/năm). Trạm khuyến nông huyện khuyến khích trồng mô hình này là vì nó phù hợp với những hộ nghèo, có ít đất sản xuất.
Ông Thành cho biết, khổ qua rừng là loại rau rừng, trồng theo phương pháp tự nhiên, không phun, xịt thuốc bảo vệ thực vật nên tuyệt đối an toàn cho người tiêu dùng và được xếp là loại “rau sạch”. Ngày nay, khổ qua rừng đã trở thành món ăn đặc sản được nhiều người ưa dùng, đặc biệt trong các nhà hàng.
Ông Thành bên vườn khổ qua rừng
Gia đình ông Thành đã trồng thí điểm hai vườn khổ qua rừng, trong đó có một nửa trồng lấy ngọn và một nửa trồng lấy quả. Đối với khổ qua rừng trồng lấy ngọn, ông Thành trồng với khoảng cách gốc 0,5 x 0,5m, khoảng cách hàng 1 x 1m. Còn trồng lấy quả, khoảng cách gốc 1 x 1m, khoảng cách hàng chừa đủ lối đi.
Ông Thành chia sẻ: “Quy trình chăm sóc khổ qua rừng khá đơn giản. Lúc đầu trồng, tôi bón lót khoảng 300 kg phân chuồng hoai mục/sào (1 sào khoảng 500 gốc). Sau đó, khoảng 1 – 1 tháng rưỡi lại bón thêm 1 lần, với trữ lượng khoảng 20 kg phân NPK/sào. Khi bón cần kết hợp bón phân vi sinh, phân trùn quế (Trùn quế giúp cây luôn giữ được màu xanh, còn NPK thì bón khi thấy cây suy yếu giúp cây xanh tốt trở lại – PV). Về tưới nước cho cây, mỗi ngày tưới 1 lần, nếu tưới gián đoạn cây sẽ bị héo; nên tưới vào buổi chiều vì buổi sáng bông mới nở, nước tưới vào bông sẽ làm hạn chế việc thụ phấn”.
Quả khổ qua rừng chín phơi khô được giới đông y mua với giá trên 70 ngàn đồng/kg, để làm thuốc phục vụ cho điều trị bệnh.
Theo ông Thành, khổ qua rừng ra hoa, kết quả nhanh, sức leo khoẻ. Khi thân leo đến đâu, hoa, quả vươn theo đến đó. Sau khi cắt ngọn xong, người trồng tiếp tục tưới và bón phân là có thể cắt tiếp. Đặc biệt, khổ qua rừng phải hái liên tục 1 lần/ngày để cây ra ngọn mới, nếu không cây sẽ bị yếu. Đối với khổ qua lấy ngọn, sau 2 ngày có thể cắt được khoảng 1kg/luống; còn khổ qua lấy trái, 1 sào hái được 10kg/ngày. Giá thị trường bán ra hiện nay là 30 ngàn đồng/kg quả, 40 ngàn đồng/kg ngọn. Trung bình 1 năm, gia đình ông Thành thu nhập khoảng 60 triệu đồng/sào/năm, trong khi chi phí chăm sóc chỉ bằng một nửa so với khổ qua nhà (mướp đắng).
Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Võ Thanh Sơn cho biết, thực hiện theo sự chỉ đạo của Huyện ủy, Trung tâm đã tiến hành thực hiện thí điểm mô hình khổ qua rừng tại nhà ông Thành. Qua thời gian thực hiện, mô hình này cho kết quả khả quan. Thứ nhất là sức sống của khổ qua rừng rất mãnh liệt so với mướp đắng, chi phí đầu tư ít mà lại cho thu nhập cao. Đặc biệt, mô hình có thể nhân rộng cho những hộ nghèo, ít đất để tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Nguồn: Internet