Theo Hóa học ngày nay - Tại Pháp và châu Âu, hiện tại có một loài cỏ gây tranh cãi, tên gọi là stevia. Các chế phẩm của loại cây này rất ngọt, có tác dụng dụng thay thế được đường. Nhưng nhiều người cho rằng tính an toàn của loại cỏ này chưa được kiểm chứng, trong khi nhiều người khác lại cho rằng stevia có rất nhiều tác dụng chữa bệnh.
Tính chất của steria
Stevia hay cỏ ngọt là một cây cỏ, thân mảnh, khi nhấm thấy có vị ngọt rất đậm. Cây này có nguồn gốc từ Paraguay và các vùng núi Tây Nam của lục địa Mỹ Latin. Ở quê hương của nó, loại cỏ này được gọi là Caá-êhê, Azucá-caá hay Kaá-hê-e, có nghĩa là cỏ có vị ngọt. Cây cỏ ngọt mọc ở các vùng rừng rậm cận nhiệt đới, độ cao khoảng 500-1500 mét trên mực nước biển, với nhiệt độ trung bình 25°C, và lượng mưa hàng năm khoảng 1500 mm (trong khi tại Paris là 650mm/năm). Cỏ ngọt được dùng rộng rãi từ lâu tại Nam Mỹ. Tại Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, loại cỏ này được dùng làm thực phẩm từ khoảng 40 năm nay. Tại Việt Nam, cỏ ngọt bắt đầu được trồng và sử dụng từ cuối những năm 1980.
Tên khoa học của cỏ ngọt lúc ban đầu là Eupatorium rebaudianum vì O. Rebaudi là người đầu tiên đã nói đến nó. Năm 1899, một nhà thảo mộc người Paraguay, M.C. Bertoni, xác định nó là cây thuộc loại stevia, họ cúc. Năm 1905 ông miêu tả rành mạch và đổi tên nó thành Stevia rebaudiana Bertoni. Năm 1915, R. Robert tìm ra được trong cỏ một chất có tên gọi là eupatorin. Sau đó Bertoni đề nghị sửa tên eupatorin thành estevina hay stevin. Liên hiệp Quốc tế Hóa học họp ở Copenhague năm 1924 chỉ định tên steviosid cho chất này.
Từ cỏ ngọt, thoạt tiên người ta chiết ra chất steviosid, một loại đường thiên nhiên không có nitơ, với hàm lượng 3-10% trong lá khô, độ ngọt gấp 150-300 lần đường ăn. Steviosid có khả năng bền vững với nhiệt độ và acid nên nó không bị biến chất và không bị lên men trong dạ dày. Từ cỏ ngọt người ta có thể chiết xuất ra được rebaudiosid A, còn ngọt hơn steviosid, và nhiều chất khác.
Công dụng của cỏ ngọt stevia
Cấu trúc của steviol, hoạt chất chính tạo nên độ ngọt chiết ra từ cây stevia
Ngày 14/4 vừa qua, Cơ quan an toàn thực thẩm châu Âu đưa ra kết luận, theo đó, liều dùng an toàn của các chất ngọt chiết xuất từ cây stevia là 4mg trên 1 kilogramme trọng lượng cơ thể.
Trên thị trường Pháp, giá cỏ ngọt rất cao, khoảng 10 -15 euro cho 50 gam bột tinh chất. Tuy nhiên, có dự đoán cho rằng chỉ trong vòng 5 năm tới, stevia-cỏ ngọt sẽ có thể chiếm được từ 20%-25% thị phần của đường thực phẩm.
Trước đó, tháng 8/2008, một ủy ban hỗn hợp của Tổ chức lương thực và Tổ chức y tế thế giới đã công bố kết luận khoa học về tính vô hại của các chất gây ngọt bao gồm rebaudiosid A và các chất ngọt khác chiết xuất từ cây stevia. Các chất này không chứa các yếu tố gây ung thư, không làm hại gen, không có ảnh hưởng đến hệ sinh sản hay tăng trưởng của người.
Tiếp đó, vào tháng 11 năm 2009, cơ quan an toàn thực phẩm của Pháp đã cho phép sử dụng rebaudiosid A như một thành phần thực phẩm. Một quy định khác vào đầu tháng 1 năm 2010 của chính phủ Pháp tiếp tục cho phép sử dụng rebaudiosid A với hàm lượng cao hơn. Quy định này có giá trị trong hai năm, trong khi chờ đợi quyết định của các cơ quan châu Âu có thẩm quyền. Ngay lập tức, tại Bretagne, tháng hai vừa qua công ty Phare Ouest đã đưa vào thị trường sản phẩm nước giải khát Breizh Cola với đường làm từ stévia. Tuy nhiên, việc sử dụng lá cây stevia khô để cho vào các đồ uống vẫn bị cấm tại Pháp.
Tại Hoa Kỳ và châu Âu, việc sử dụng cây stevia đã bị cấm trong một thời gian dài. Hơn mười năm trước (1999), vì không đủ các dữ kiện chứng minh tính vô hại của chúng, Ủy ban châu Âu đã từ chối cho phép sử dụng cây và lá cỏ ngọt sấy khô để chế biến thức ăn và làm phụ gia thực phẩm. Kể từ đó, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành.
Nếu như ở châu Âu, cỏ ngọt mới chỉ được công nhận trong công nghiệp thực phẩm, thì tại Việt Nam, qua kinh nghiệm sử dụng, người ta nhận thấy, cỏ ngọt vì có khả năng làm giảm nhu cầu chất đường và chất bột của người bệnh và cung cấp năng lượng cho cơ thể ở mức thấp, không gây tác dụng phụ và không độc hại, do đó, các lương y khuyên những người mắc bệnh tiểu đường, béo phì, tăng cholesterol trong máu và người cao tuổi nên dùng cỏ ngọt hoặc steviosid thay thế các loại đường từ mía và củ cải.
Hiện nay tại Việt Nam, cỏ ngọt đang được sử dụng dưới dạng độc vị, thân lá phơi khô, cắt nhỏ, hãm uống hằng ngày. Đường steviosid chiết xuất từ cỏ ngọt được dùng như chất phụ gia cho việc bào chế và sản xuất các loại trà thuốc như trà sâm quy, trà artichaut, trà camonulla. Tuy nhiên, ngoài công dụng tích cực, có nơi người ta khuyên không nên dùng cỏ ngọt cho người gầy ốm suy nhược, vì nó phân hủy chất bột làm cho người càng gầy ốm suy nhược thêm. Cũng như tất cả các loại thuốc nói chung, dùng cỏ ngọt với mục tiêu chữa bệnh cần phải được bác sĩ hay lương y kê đơn.
Nguồn: Internet