Với mong muốn góp phần sử dụng chế độ ăn để phòng bệnh hoặc làm chậm lại thời gian phải dùng thuốc ở những người có chỉ số đường huyết cao, MUDARU sẽ hướng dẫn bạn đọc một số nguyên tắc và quy đổi để có thể tạo ra thực đơn cho người tiểu đường một cách đơn giản, đa dạng và hiệu quả nhất.
Nguyên tắc xây dựng thực đơn cho người tiểu đường
Các nguyên tắc chung về dinh dưỡng nên được khuyến cáo cho mọi bệnh nhân như sau:
Carbohydrat: Nên dùng các loại hấp thu chậm có nhiều chất xơ, không chà xát kỹ như gạo lứt, bánh mì đen, nui còn chứa nhiều chất xơ…
Chất đạm: hạm lượng khoảng 1-1,5 gam/kg cân nặng/ngày ở người không suy chức năng thận. Khuyến khích bổ sung cá vào thực đơn ít nhất 3 lần/tuần. Người ăn chay trường có thể bổ sung nguồn đạm từ các loại đậu như: đậu phụ, đậu đen, đậu đỏ,…
Chất béo: Nên chú trọng dùng các loại mỡ có chứa acid béo không no một nối đôi hoặc nhiều nối đôi như dầu ô liu, dầu mè, dầu lạc, mỡ cá. Cần tránh các loại mỡ trung chuyển phát sinh khi ăn thức ăn rán, chiên ngập dầu mỡ.
Muối: Giảm hàm lượng còn khoảng 2300 mg Natri mỗi ngày.
Chất xơ: nên sử dụng ít nhất 15 gam mỗi ngày.
Các yếu tố vi lượng: nên chú ý bổ sung các yếu tố vi lượng nếu thiếu như: sắt ở bệnh nhân ăn chay trường. Với bệnh nhân thiếu máu nên bổ sung vitamin B12.
Ngưng hút thuốc lá và hạn chế tối đa các thức uống có cồn…
Các bước để xác định thực đơn cho người tiểu đường
Các bước để xác định được nhu cầu ăn uống khi bị đái tháo đường.
Bước 1: Xác định cân nặng dựa trên chiều cao (CNNC), Đây là mức cân nặng an toàn của mỗi người.
NAM = chiều cao (m) x chiều cao (m) x 22
NỮ = chiều cao (m) x chiều cao (m) x 21
Ví dụ:
Nam cao 1m74, cân nặng nên đạt được là: 1,74 x 1,74 x 22 = 66,6 ~ 67 kg
Nữ cao 1m60, cân nặng nên đạt được là: 1,60 x 1,60 x 21 = 53,76 ~ 53 kg
Bước 2: Xác định nhu cầu năng lượng (Kcal)
Nằm tại giường: 25kcal x CNNC
Lao động nhẹ: 30kcal x CNNC
Lao động trung bình: 35kcal x CNNC
Lao động nặng: 40kcal x CNNC
Trong đó CNNC là cân nặng mỗi người.
Bước 3: Xác định loại thực đơn dựa trên Bảng Quy định số đơn vị thực phẩm cho các chế độ ăn đái tháo đường.
Mốt số lưu ý trong việc xây dựng thực đơn cho người tiểu đường
Không tự ý đặt chế độ ăn kiêng chống béo cho mình mà phải do bác sĩ chỉ định hoặc đồng ý. Chế độ ăn, số lượng bữa ăn phụ thuộc vào đơn thuốc uống, liều lượng và số lần tiêm insulin,...
Đa dạng các loại thực phẩm nhưng phải đảm bảo các loại thực phẩm phải dành cho người tiểu đường
Ăn vừa đủ no
Chia nhỏ bữa ăn, thông thường khoảng 5-6 bữa/1 ngày (bữa chính và bữa phụ)
Thường xuyên kiểm soát đường huyết
Lựa chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng.
Ăn chậm, nhai kỹ
Tránh hầm, nhừ, chiên nướng, … tốt nhất là hấp và luộc.
Thực đơn dinh dưỡng trong ngày cho người tiểu đường
Bữa sáng
Không nên bỏ bữa sáng, vì bữa sáng đối với người tiểu đường rất quan trọng, giúp kiểm soát lượng đường huyết trong ngày. Thực đơn dành cho người tiểu đường trong bữa sáng cần phải cân bằng dinh dưỡng: ½ khẩu phần tinh bột, ¼ hoa quả và ¼ protein.
Người tiểu đường có thể uống cà phê hay một ly sữa không đường kèm với 2 lát bánh mì nướng. Hoặc lựa chọn uống ½ chén các loại đậu rang đã xay thành bột. Các loại đậu rất tốt cho người tiểu đường. Người tiểu đường có thể thay đổi bữa sáng bằng một tô nhỏ bún hoặc phở.
Bữa trưa
Bữa trưa trong thực đơn dành cho người tiểu đường nên gồm ½ rau xanh không chứa tinh bột, ¼ khẩu phần tinh bột và ¼ protein. Các loại rau xanh khuyến khích nên bổ sung như xà lách, cà chua, đậu đen, ngô, ớt đỏ.
Bổ sung protein thì nên ăn thịt nạc thăn hoặc thịt gà nhưng phải bỏ da. Có thể lựa chọn ăn cơm, ngũ cốc, bánh mì kèm salad rau. Thay đổi bữa với thịt gà, trứng luộc, cá…
Người tiểu đường có thể tráng miệng bằng bưởi đỏ, táo, kiwi,…
Bữa tối
Thực đơn bữa tối dành cho người tiểu đường cũng tương tự khẩu phần bữa trưa: ½ rau xanh không chứa tinh bột, ¼ khẩu phần tinh bột và ¼ protein.
Nguồn protein nên dùng vào buổi tối có thể lựa chọn như cá hồi, cá trích, cá ngừ, đậu phụ,…Rau xanh có thể lựa chọn bông cải xanh, đậu hà lan, cà chua,…
Bữa ăn nhẹ
Ngoài những bữa ăn chính thì người tiểu đường phải thêm 2-3 các bữa ăn nhẹ. Chia nhỏ thành 5-6 bữa ăn hàng ngày rất tốt cho người tiểu đường, giúp ổn định lượng đường trong máu của người bệnh trong một ngày. Người tiểu đường nên hạn chế các đồ ăn nhẹ chứa nhiều chất carbohydrate. Có thể lựa chọn trái cây cho bữa ăn nhẹ hoặc các loại đồ ăn vặt như đậu phộng, bơ hạnh nhân, óc chó không đường, hạt bí ngô. Không nên ăn các thực phẩm đóng gói, chứa nhiều chất béo và gelatin.
Tham khảo thực đơn cho người tiểu đường cả tuần
Số lượng món ăn và hàm lượng các chất vẫn phải tuân thủ theo nguyên tắc xây dựng chế độ dinh dưỡng và phác đồ điều trị bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh thừa hoặc thiếu chất trong quá trình điều trị:
Bữa ăn sáng: phở, ngũ cốc, rau tươi,..
Bữa sáng phụ: trái cây tươi
Bữa ăn trưa: Cơm nấu từ gạo lứt, cá ngừ kho dứa, vịt hầm hạt sen, nấm xào cải, xanh, thịt lợn nạc xào cần tây, canh khổ qua nhồi thịt, canh tía tô, canh hẹ nấu tôm khô, rau tươi, trái cây tươi như cam, quýt,..
Bữa trưa phụ: sữa đậu nành, sữa hạt óc chó,..
Bữa tối: cơm gạo lứt, cá chép hầm đậu đỏ, nấm rơm xào thịt nạt, canh rau dền, cá trạch nấu lá sen,…
Bữa tối phụ: đậu phụ luộc,…