Người mắc bệnh tiểu đường thường dễ bị bệnh nặng hơn khi nhiễm COVID-19, do đó căn cứ vào hướng dẫn mới nhất của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế và Quỹ đái tháo đường Thế giới, Hội Người giáo dục bệnh đái tháo đường Việt Nam đưa ra khuyến cáo về việc phòng ngừa bệnh COVID-19 đối với người đái tháo đường (tiểu đường) trong bài viết dưới đây.
Tại sao người bệnh tiểu đường khi mắc COVID-19 thường nặng hơn?
Lưu lại ngay cách phòng ngừa COVID 19 cho người tiểu đường
Do hệ miễn dịch của người bệnh vốn đã bị tổn hại, khiến việc chống lại virus khó khăn hơn và khả năng phục hồi cũng lâu hơn. Virus có thể phát triển mạnh hơn trong môi trường đường huyết tăng cao. Hơn nữa, khi nhiễm virus, cơ thể cố gắng chống lại bệnh bằng cách giải phóng đường dự trữ để cung cấp năng lượng do đó đường huyết tăng lên. Ngoài ra, người tiểu đường thường có nhiều biến chứng, nhiều bệnh kèm theo như tăng huyết áp, tim mạch, các nhiễm trùng khác, biến chứng bàn chân sẽ càng nghiêm trọng hơn.
Người bệnh tiểu đường và người thân cần phải làm gì?
Đối với những người mắc tiểu đường, điều quan trọng là phải có biện pháp phòng ngừa để tránh nhiễm virus. Các khuyến cáo đang được ban hành rộng rãi cho cộng đồng rất quan trọng đối với người mắc bệnh tiểu đường và bất cứ ai tiếp xúc gần với người mắc tiểu đường, đó là:
Rửa tay kỹ và thường xuyên bằng xà phòng, nước sát khuẩn.
Cố gắng tránh chạm tay vào mặt (mũi, miệng, mắt) trước khi rửa và lau khô tay.
Làm sạch và khử trùng mọi bề mặt vật thể thường xuyên chạm vào.
Không chia sẻ thức ăn, không dùng chung kính, khăn, dụng cụ,…
Khi ho hoặc hắt hơi, hãy che miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc sử dụng cánh tay để che mũi, miệng nếu không có khăn giấy (bỏ khăn giấy ngay sau khi sử dụng vào thùng rác đậy nắp).
Cố gắng tránh tiếp xúc với bất kỳ ai có triệu chứng bệnh về đường hô hấp như ho, hắt hơi, nghi ngờ nhiễm virus.
Người tiểu đường và người thân của họ nên ở tại nhà, không đi ra ngoài nếu không thực sự cần thiết.
Không tụ tập đông người, nếu phải đi ra ngoài thì tránh sử dụng giao thông công cộng, phải đeo khẩu trang thường xuyên, giữ khoảng cách ít nhất 2m với người khác, thay quần áo, rửa tay ngay khi về nhà.
Nếu có các triệu chứng giống cúm (ho, hắt hơi, sổ mũi, người mệt mỏi,…) hãy liên lạc với số điện thoại cần thiết để được hỗ trợ về y tế, không nên đến ngay phòng khám, bệnh viện khám vì có thể lây bệnh cho người khác hoặc bị nhiễm bệnh.
Người bệnh đái tháo đường nên tự kiểm tra đường huyết thường xuyên.
Quản lý bệnh tiểu đường như thế nào?
Lưu lại ngay cách phòng ngừa COVID 19 cho người tiểu đường
+ Phải chuẩn bị đủ các loại thuốc trị tiểu đường, thuốc điều trị biến chứng.
+ Hãy chắc chắn có đầy đủ địa chỉ, số điện thoại liên lạc khi cần (của bệnh viện, hiệu thuốc, của bác sĩ, người thân, cửa hàng thực phẩm,…).
+ Phải chú ý hơn đến việc tự kiểm soát đường huyết, chế độ ăn, luyện tập.
+ Tự kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn, nếu bạn không kiểm tra được đường trong máu tại nhà, hãy chú ý đến các dấu hiệu đi tiểu nhiều hơn (đặc biệt là vào ban đêm), rất khát nước, đau đầu, mệt mỏi, thờ ơ, bủn rủn chân tay, vã mồ hôi, hoa mắt, chóng mặt. Nếu các triệu chứng trên tăng lên, hãy liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn xử trí.
+ Bất kỳ nhiễm trùng nào cũng sẽ làm tăng mức glucose và tăng nhu cầu về nước, vì vậy hãy đảm bảo uống đủ nước, đặc biệt là người cao tuổi phải uống đủ nước dù không thấy khát.
+ Hãy đảm bảo chắc chắn có đủ thực phẩm cần thiết cho chế độ ăn của người tiểu đường để có thể ăn đúng thời gian, đủ bữa, đủ dinh dưỡng, không được bỏ bữa.
+ Nghiên cứu cho thấy ở nhà nhiều thường có xu hướng ăn nhiều hơn, ít vận động, vì vậy chỉ nên ăn đủ ngày 3 bữa chính, không ăn quá 3 bữa phụ, hạn chế tối đa nước uống có ga, nước uống liền. Nếu người tiểu đường sống một mình, phải có người thân biết rõ tình trạng bệnh để có thể hỗ trợ khi cần.
+ Dù ở tại nhà, hạn chế đi lại, người tiểu đường vẫn phải hoạt động thể chất thường xuyên để kiểm soát tốt đường huyết như đi bộ, chạy tại chỗ.
+ Nếu là tiểu đường đường type 1, hãy kiểm tra đường huyết hàng ngày (thử lúc đói và cả vào ban đêm), nếu có máy tự kiểm tra được ketone máu và nước tiểu càng tốt. Nếu đường huyết cao trên 15mmol/l (270mg/dl) hoặc nếu mẫu thử có ketone, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn.
+ Với người tiểu đường thai kỳ phải kiểm tra đường huyết thường xuyên 4 lần/ ngày vào các thời điểm lúc đói buổi sáng, sau ăn sáng, sau ăn trưa và sau ăn tối 2 giờ. Hàng tuần phải liên hệ với bác sĩ sản hoặc bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn. Nếu thấy đường huyết tăng đột ngột phải thông báo cho bác sĩ ngay.
+ Nếu bạn có lịch hẹn tái khám, hoặc phải mua thuốc mà đang có các triệu chứng ho, hắt hơi, sốt thì không nên đến ngay phòng khám, bệnh viện, nhà thuốc mà phải gọi điện đến bác sĩ điều trị hoặc bệnh viện nơi đăng ký khám chữa bệnh để được tư vấn.
+ Nếu bạn đang điều trị biến chứng tiểu đường như loét bàn chân, biến chứng tim mạch, suy thận mà không có triệu chứng COVID-19, vẫn nên tiếp tục điều trị và phải liên hệ hẹn trước nơi khám, điều trị.
Trong giai đoạn này, mọi lịch hẹn kiểm tra thường quy nên được trì hoãn cho tới khi tình hình dịch trở về bình thường. Khi lệnh cách ly được dỡ bỏ bạn phải tái khám lại ngay. Trong thời gian chờ tái khám vẫn phải uống thuốc theo đơn, thực hiện chế độ ăn, luyện tập thể lực, bạn nên liên lạc với bác sĩ điều trị để được tư vấn thêm về đơn thuốc.
Hãy theo dõi thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh, các ca nhiễm bệnh, các khu vực đã có người nhiễm bệnh để có biện pháp tránh tiếp xúc gần, nhằm phòng bệnh cho cả người bệnh và gia đình.